Đề xuất 100% thanh niên được thực hiện nghĩa vụ quân sự: Quy định hiện hành vẫn còn phù hợp?

Thứ sáu - 05/01/2024 10:16
Đại biểu Quốc hội cho rằng theo quy định của luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì hầu hết thanh niên trong độ tuổi quy định đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, trừ rất ít trường hợp được miễn.
Đề xuất 100% thanh niên được thực hiện nghĩa vụ quân sự: Quy định hiện hành vẫn còn phù hợp?
  
Tại tọa đàm tham vấn nội dung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về thanh niên, trẻ em qua gần 40 năm đổi mới do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội tổ chức ngày 3.1, vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự của thanh niên tiếp tục được đặt ra.
Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ của thanh niên. Trong luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có nêu một số trường hợp miễn, hoãn nên không phải 100% thanh niên chúng ta được tham gia nghĩa vụ quân sự.
Do vậy, ông Vũ Trọng Kim đề nghị sửa luật Nghĩa vụ quân sự 2015 để mỗi thanh niên đều được trải qua huấn luyện quân sự ít nhất là 2 năm. Điều này góp phần phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một số chuyên gia cho rằng Việt Nam là đất nước đang phát triển nên cần nguồn nhân lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc bắt buộc toàn bộ thanh niên trong độ tuổi (18 đến 27 tuổi) phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 2 năm, cần cân nhắc. Trong trường hợp bắt buộc phải tham gia nghĩa vụ quân sự thì thời gian huấn luyện giảm xuống theo hướng tăng cường độ, kỹ năng chiến đấu.
Từ thực tiễn địa phương, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhìn nhận theo quy định của luật Nghĩa vụ quân sự, thì trừ rất ít trường hợp được miễn, nên hầu hết thanh niên trong độ tuổi quy định đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đại biểu cho rằng các quy định trong luật hiện hành được Quốc hội khóa 13 thông qua vẫn còn phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề trốn nghĩa vụ quân sự cần phân loại và xử lý nghiêm theo quy định.
Nên hỗ trợ người cận thị, xăm mình cũng đi nghĩa vụ quân sự

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết
Theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, thanh niên nhập ngũ cần đảm bảo sức khỏe. Vì thế, những trường hợp không đảm bảo sức khỏe, ví dụ như bị cận thị nặng, có những khuyết tật ảnh hưởng đến công tác, thực thi nhiệm vụ thì việc miễn là phù hợp. Chính quyền có thể hỗ trợ kinh phí để giúp thanh niên khắc phục khuyết tật khúc xạ để tham gia nghĩa vụ quân sự.
Về hình xăm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhìn nhận, nhiều thanh niên (cả nam và nữ) thích xăm hình lên cơ thể, không nhất thiết là để tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Do vậy, vị đại biểu này kiến nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu sửa đổi quy định để các thanh niên có hình xăm (không phân biệt diện tích to hay nhỏ) đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian tại ngũ, các hình xăm này sẽ được hỗ trợ xóa, đồng thời bố trí công việc phù hợp. Biện pháp này sẽ tránh được tình trạng xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự.
 
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự
HOÀNG SƠN

Sửa tiêu chuẩn nhập ngũ sát thực tiễn

Vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng được cử tri nhiều địa phương phản ánh, nhất là tình trạng trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách xăm hình lớn vào người, hoặc người bị tật khúc xạ về mắt (cận thị, viễn thị, loạn thị) nên không thể tham gia.
Trong năm 2023, Bộ Quốc phòng cũng nhiều lần trả lời kiến nghị cử tri các địa phương liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Bộ Quốc phòng nhìn nhận trong quá trình thực hiện luật Nghĩa vụ quân sự 2015 và một số văn bản liên quan gặp một số vướng mắc, bất cập, khó khăn trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.

Pháp luật hiện hành quy định, mọi công dân trong độ tuổi, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Song, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối, nên chưa thể gọi hết thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nhập ngũ.
Bộ Quốc phòng cũng nêu thực tiễn hiện nay tỷ lệ thanh niên mắc tật khúc xạ về mắt ngày càng tăng, nhất là những thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng, thanh niên ở đô thị. Một số công dân lợi dụng quy định về hình xăm, chữ xăm trước thời điểm khám tuyển, hoặc sau khi sơ tuyển, biết đủ tiêu chuẩn gọi nhập ngũ thì cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Để bảo đảm công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ Quốc phòng cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi quy định tiêu chuẩn nhập ngũ đối với công dân cho phù hợp thực tiễn. Hiện cơ quan này được giao lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung luật Nghĩa vụ quân sự 2015 để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026).

Khi nào được miễn, hoãn nhập ngũ?

Thông tư 148/2018 của Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ quy định một số trường hợp tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ.

5 trường hợp miễn gọi nhập ngũ

  • Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng nhất.
  • Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
  • Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
  • Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân.
  • Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên.

7 trường hợp tạm hoãn gọi nhập ngũ

  • Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.
  • Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) xác nhận.
  • Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61 - 80%.
  • Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân.
  • Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 3 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định.
  • Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
  • Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
Nguồn: Sỹ Đông  

Khuyến nghị:

1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Luật Toàn Long thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến từ các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tuy nhiên, người đọc chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi các ý kiến đưa ra chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

3. Mọi yêu cầu giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Luật Toàn Long qua Tổng đài tư vấn pháp luật Tư vấn: 0936.521.533, E-mail: luattoanlong@gmail.com.

 Tags: Quân sự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay4,297
  • Tháng hiện tại65,550
  • Tổng lượt truy cập1,629,516
logo                      logophapluatvanhoa                     luatsu           thanh lap doanh nghiep                     tu van dat dai                     nguoihanoilogo
190063.3232
Nhắn tin Facebook Zalo: 0934.682.133
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây