Hành vi bạo lực học đường sẽ bị xử lý như thế nào?

Thứ tư - 15/05/2024 04:00
Hiện nay bạo lực học đường diễn ra phổ biến ở hầu hết các trường học, với sự tham gia của rất nhiều học sinh từ mọi lứa tuổi, các em vẫn chưa ý thức được hậu quả của hành vi này cũng như những hình thức trách nhiệm pháp lý mà mình phải gánh chịu.
Hình minh họa
Hình minh họa
1. Bạo lực học đường là gì?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP giải thích về bạo lực học đường như sau: “Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”.
Với giai đoạn hiện nay, tình trạng bạo hành học đường vẫn còn đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp trong môi trường học tập trên khắp thế giới. Với vấn đề này thì bạo hành học đường được hiểu như là một hành động đối xử thô bạo của giới học sinh. Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất (đánh đập, xô đẩy…), bạo lực về lời nói (đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần (tẩy chay, xa lánh, nói xấu…)
2. Các dạng bạo lực học đường mà trẻ có thể gặp phải
2.1. Bạo lực bằng lời nói:
Là hành vi dùng lời nói dùng từ ngữ tàn nhẫn, có tính chất xúc phạm, miệt thị, bao gồm: trêu chọc, sỉ nhục, đặt biệt danh, đe doạ, bình phẩm thiếu tôn trọng về người khác (vẻ ngoài, tôn giáo, dân tộc, người khuyết tật, giới tính , gia đình đơn thân, nghề nghiệp cha mẹ, hoàn cảnh gia đình..). Việc bạo lực bằng lời nói có thể bắt đầu mà không gây tổn thương, nhưng về lâu dài sức ảnh hưởng của bạo lực lời nói cũng tiêu cực không kém các loại bạo lực khác.
Ví dụ: Sao bạn mập vậy, bạn mập giống y chang mẹ của bạn....
2.2. Bạo lực thân thể:
Là bất kì hành động tiếp xúc thân thể không mong muốn nào xảy ra giữa kẻ bắt nạt và nạn nhân, bao gồm các hành động như nắm, giật tóc, khạc nhổ nước bọt, xô đẩy, tát, đấm đá,... gây nên những vết thương trên cơ thể, có thể để lại thương tích lâu dài như sẹo, trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị tàn tật vĩnh viễn.
2.3. Bạo lực xã hội:
Là một dạng bắt nạt dễ dàng che giấu, có thể diễn ra sau lưng con trẻ, nhằm ngăn cản trẻ hoà đồng với bạn bè chung lớp hoặc một số nhóm, hội trong trường học. Dạng bạo lực này không dễ nhận ra, tuy nhiên lại có thể làm con trẻ bị xấu hổ, cảm thấy cực kỳ tủi thân và nghiêm trọng hơn là huỷ hoại tên tuổi của trẻ. Các hành vi sau có thể được xem là bạo lực xã hội:
- Nói xấu sau lưng và lan truyền về những tin tức bịa đặt
- Những cử chỉ bằng mặt hoặc cơ thể tỏ vẻ khinh bỉ, đe doạ
- Thường nói những câu đùa thô tục gây khó chịu, làm người khác xấu hổ và cảm thấy tủi nhục
- Nhại giọng, bắt chước một cách thiếu tôn trọng
- Kết bè phái nhằm xa lánh, cô lập người khác
- Nói xấu, dựng chuyện nhằm phá huỷ tên tuổi của người khác.
 2.4. Bạo lực mạng
Bạo lực mạng hay còn gọi là bạo lực trên môi trường mạng, có thể hiểu là những hành vi gây hại cố ý, được lặp lại, thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, và các mạng xã hội, email, diễn đàn, website, nền tảng trực tuyến. Bạo lực mạng có thể diễn ra công khai hoặc trong phạm vi cá nhân, có thể thấy ngay trước mắt hoặc diễn ra lặng thầm sau lưng nạn nhân. Bạo lực mạng có thể diễn ra bất cứ lúc nào, thậm chí có thể diễn ra liên tục với khả năng lan truyền nhanh chóng, có thể cắt ghép chỉnh sửa không kiểm soát.
3. Nguyên nhân của hiện tượng bạo lực học đường
- Thứ nhất, ảnh hưởng của môi trường xã hội. Tác động tiêu cực của internet, game bạo lực, văn hóa phẩm xấu, hiện tượng suy thoái đạo đức và những hành vi bạo lực trong phim ảnh, xã hội, gia đình đã vô hình đã dạy học sinh cách cư xử bạo lực và được chúng mang vào trường học.
- Thứ hai, về phía nhà trường. Một số nhà trường thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao; Chưa thật sự quan tâm nhiều đối với những học sinh cá biệt.
- Thứ ba, từ phía gia đình. Một số gia đình thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý con cái hoặc nuông chiều con quá mức. Có những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ ly hôn, cờ bạc, cãi nhau trước mặt con cái… nên ngay từ nhỏ đã tiêm nhiễm vào các em những hành vi bạo lực.
- Thứ tư, từ chính bản thân người chưa thành niên. Do đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi, nhân cách và tâm lý chưa hoàn thiện, thể chất phát triển mạnh mẽ, tâm sinh lý thay đổi, dễ nổi nóng gây ra những hành động bộc phát, dễ bị lôi kéo, gây kích động, họ muốn thể hiện mình, có khi dùng bạo lực xem như một cách nổi trội khác với bạn bè…
4.  Hậu quả của bạo lực học đường:
- Thứ nhất, ảnh hưởng đến người bị hại. Họ phải chịu tổn thương về thể xác, tinh thần và kinh tế. Những trường hợp nhẹ là thâm tím người, nặng  hơn  là gây ra những thương tích, đau lòng hơn là có thể cướp đi sinh mạng của những người vô tội để lại những tổn thất lớn cho gia đình, bạn bè họ. Những người bị bị bạo lực có tâm lý sợ hãi, hoang mang, chán nản, lo âu…dần dần bị stress, gây nên bệnh trầm cảm, dẫn đến thiếu ăn, thiếu ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập, công tác.
- Thứ hai, ảnh hưởng đến gia đình. Những gia đình có người bị bạo lực và gây ra bạo lực sẽ xáo trộn, cảm thấy bất an, mất tiền của để chăm sóc người bị hại, có trường hợp người thân can ngăn cũng bị thương tích, thiệt mạng.
- Thứ ba, ảnh hưởng đến tương lai của người gây ra bạo lực. Họ cũng chịu ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lí, thậm chí có thể nhận kỷ luật đuổi học, tù tội…
- Thứ tư, ảnh hưởng đến nhà trường. Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, bất an, ảnh hưởng đến thành tích, danh dự của trường cũng như các thầy cô giáo.
5. Xử lý hành vi bạo lực học đường:
Bạo lực học đường là hành vi vi phạm những nguyên tắc về đạo đức. Nó gây ra những hệ quả tiêu cực cho nạn nhân cũng như mọi người xung quanh. Do đó, hành vi bạo lực học được có thể bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý dân sự hoặc nặng hơn là xử lý hình sự.
5.1. Xử lý vi phạm hành chính
- Theo Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý.
- Cũng theo quy định tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thì cá nhân có hành vi bạo lực học đường có thể bị phạt cảnh cáo nếu hành vi đó chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Như vậy, đối với biện pháp xử phạt hành chính, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường do cố ý, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị xử phạt cảnh cáo.
5.2. Bồi thường dân sự
- Theo Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự. Bao gồm các chi phí sau:
 +  Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
 + Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về những chi phí được xác định như sau:
+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
+ Thiệt hại khác do luật quy định.
-  Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
- Nếu người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật dân sự năm 2015).
- Nếu người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
5.3 Xử phạt hình sự
- Theo nguyên tắc, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, đối với những học sinh thực hiện hành vi bạo lực học đường khi đã đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:
- Theo khoản 22 Điều 1 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích, Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
+ Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
+ Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.
- Ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.
+ Theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội làm nhục người khác Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 

Khuyến nghị:

1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Luật Toàn Long thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến từ các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tuy nhiên, người đọc chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi các ý kiến đưa ra chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

3. Mọi yêu cầu giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Luật Toàn Long qua Tổng đài tư vấn pháp luật Tư vấn: 0936.521.533, E-mail: luattoanlong@gmail.com.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay2,519
  • Tháng hiện tại68,700
  • Tổng lượt truy cập2,214,928
logo                      logophapluatvanhoa                     luatsu           thanh lap doanh nghiep                     tu van dat dai                     nguoihanoilogo
190063.3232
Nhắn tin Facebook Zalo: 0934.682.133
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây