Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Bộ Chính trị nêu 27 hành vi được coi là lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong tố tụng, thi hành án. Đó là nhận quà gồm lợi ích vật chất hoặc phi vật chất dưới mọi hình thức để làm trái quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; tặng quà trực tiếp hoặc gián tiếp dưới mọi hình thức để tác động, gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
Các hành vi vi phạm còn bao gồm lãnh đạo, tham mưu, ban hành văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử; thiếu trách nhiệm, buông lòng lãnh đạo, quản lý để xảy ra vi phạm; bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng.
Can thiệp, cản trở, tác động vào hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc kiểm toán; ép buộc cấp dưới che giấu, báo cáo sai sự thật, thực hiện sai quy trình nghiệp vụ; cố ý không tiếp nhận hoặc giải quyết không đúng quy định nguồn tin về tội phạm; che giấu, làm sai lệch, sót lọt nguồn tin về tội phạm hoặc sai hồ sơ, tài liệu, chứng cứ được coi là vi phạm.
Việc lạm quyền, tham nhũng cũng được xác định khi có các hành vi không truy tố người có tội hoặc truy tố người không có tội, ban hành bản án trái luật; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, tư pháp trái luật; nhục hình, bức cung, mớm cung, thông cung với người bị buộc tội; trì hoãn thời gian giám định, định giá tài sản không đúng quy định; đề nghị, quyết định hoãn, tạm đình chỉ án tù, miễn, giảm thời gian phạt tù; cố ý làm trái nội dung bản án.
Hàng loạt các hành vi khác cũng được Bộ Chính trị xác định là biểu hiện của việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực như: Cố ý vi phạm quy định niêm phong, mở niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản; cản trở trái phép hoạt động người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại; giải quyết không đúng về chế độ thăm người bị buộc tội, phạm nhân; lợi dụng việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để trục lợi; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hoặc áp đặt quyết định trái pháp luật...
Quy định này áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
Theo Bộ Chính trị, quy định nhằm "đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; sự giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử". Mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn.
Quy định cũng nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan, tuân thủ quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cơ quan, tổ chức trong tố tụng, thi hành án.
Nguồn: Viết Tuân
1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Luật Toàn Long thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến từ các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tuy nhiên, người đọc chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi các ý kiến đưa ra chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3. Mọi yêu cầu giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Luật Toàn Long qua Tổng đài tư vấn pháp luật Tư vấn: 0936.521.533, E-mail: luattoanlong@gmail.com.