Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty TNHH Luật Toàn Long, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, người dưới 18 tuổi sẽ được gọi là người chưa thành niên.
Đối với nội dung câu hỏi xin được trả lời như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 điều 47 Bộ luật Dân sự thì người được giám hộ bao gồm:
a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ.
b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.
c) Người mất năng lực hành vi dân sự.
d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trong trường hợp này, cha của hai cháu không còn, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ nên 2 cháu có điều kiện để được giám hộ.
Thứ hai, theo quy định tại điều 49 Bộ luật Dân sự về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ:
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
3. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
4. Không phải là người bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Như vậy nếu bà nội hoặc cô ruột có đủ điều kiện trên thì có thể làm người giám hộ cho 2 cháu.
Thứ ba, thứ tự giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được quy định tại điều 52 Bộ luật Dân sự như sau:
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều 47 của bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Như vậy xét điều kiện của người giám hộ và đối chiếu quy định pháp luật nêu trên thì bà nội và cô ruột có thể làm thủ tục để đăng ký giám hộ cho 2 cháu.
Trình tự thủ tục thực hiện đăng ký giám hộ đương nhiên được quy định tại điều 21 Luật Hộ tịch năm 2014 như sau:
1. Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật Dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.
2. Trình tự đăng ký giám hộ đương nhiên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 điều 20 của luật này: "Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 điều này, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào sổ hộ tịch, báo cáo chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu".
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Toàn Long, trường hợp quý khách gặp khó khăn trong việc tìm hiểu pháp luật Việt Nam và không nắm rõ các thủ tục cần thực hiện. Do đó, quý khách có thể ủy quyền cho Luật Toàn Long để thay mặt thực hiện các thủ tục một cách nhanh nhất và đạt hiệu quả. Luật Toàn Long với đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao, tận tâm và tạo ra chất lượng phục vụ tốt nhất nhằm hạn chế tối đa chi phí, thời gian của Qúy khách hàng.
1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Luật Toàn Long thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến từ các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tuy nhiên, người đọc chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi các ý kiến đưa ra chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
3. Mọi yêu cầu giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Luật Toàn Long qua Tổng đài tư vấn pháp luật Tư vấn: 0936.521.533, E-mail: luattoanlong@gmail.com.